09-07-2022

Việt Nam tranh tài trong cuộc đua xuất khẩu tôm toàn cầu

Việt Nam hiện nay đang là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu tôm với sản lượng tôm xuất khẩu khoảng 900,000 tấn năm 2021. Đây là thành quả của một quá trình phấn đấu và phát triển bền bỉ trong nhiều năm, khi Việt Nam ban đầu vốn không có tên trên bản đồ xuất khẩu sản phẩm này và lại còn xuất phát muộn hơn trong cuộc đua với các cường quốc sản xuất tôm khác. Bởi lẽ, phải đến tận những năm 2008, người nông dân tại Việt Nam mới bắt đầu chính thức nuôi giống tôm thẻ chân trắng (giống tôm xuất phát từ Nam Mỹ, vốn được thế giới ưa chuộng hơn rất nhiều so với tôm sú Châu Á).

Vậy vị trí đứng thứ 3 ngày hôm nay chỉ là một hiện tượng may mắn tạm thời, hay ngành tôm Việt Nam có bản lĩnh thực sự, và đang bền bỉ bứt tốc trong cuộc đua tranh vị trí dẫn đầu?

Để trả lời được câu hỏi đó, chúng ta cần hiểu được rằng xuất khẩu tôm của bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ được quyết định bằng hai năng lực lớn. Thứ nhất là năng lực nuôi tôm – nền tảng quan trọng, quyết định lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Và thứ hai là năng lực chế biến tôm giúp đa dạng, len lỏi vào những thị trường khó tính và tạo ra thêm giá trị lợi nhuận.

Việt Nam, cho đến nay vốn đã là một quốc gia nổi tiếng về năng lực chế biến, vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ lớn như Ecuador và Ấn Độ. Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng của Ecuador chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ – tức là cứ 100 thùng tôm Ecuador nhập khẩu vào đây thì chỉ có 4 thùng là tôm được chế biến sâu và có giá trị cao; con số này là 14% đối với Ấn Độ, 30% đối với Indonesia và khoảng 65% đối với Việt Nam. Đây chỉ là đơn cử ở một thị trường tiêu thụ lớn và đa dạng nhu cầu để thấy được thế mạnh của tôm chế biến Việt Nam. Ở một thị trường khá lớn khác và khó tính nhất, đòi hỏi chế biến cao cấp như Nhật Bản, Việt Nam hiện lại đang là nước dẫn đầu về xuất khẩu vào đây với thị phần khoảng 27%, bỏ xa đối thủ thứ hai là Ấn Độ với thị phần chỉ 19%.

Tuy nhiên, đối với mảng nuôi tôm, Việt Nam lại chưa có được vị thế vượt trội tuyệt đối so với các đối thủ khác như đã làm được ở lĩnh vực chế biến. Giá tôm nguyên liệu thu hoạch được thống kê giữa các cường quốc xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ luôn thấp hơn 15 – 20% so với giá tôm nguyên liệu thu hoạch tại Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở tỷ lệ thu hoạch đầu tôm (tỷ lệ phần trăm đầu tôm thu hoạch trên số lượng đầu tôm thả nuôi) lâu nay của người nông dân luôn thấp, do công nghệ nuôi trồng chưa được đầu tư bài bản và không đồng đều. Sản lượng thu hoạch bấp bênh năm này qua năm khác, có năm mất trắng cả tiền đầu tư cho vụ nuôi, làm cho giá thành trên mỗi tấn tôm tổng thể ngành khó lòng có thể giảm sâu.

Nhưng trong các quan sát gần đây, có lý do để tin tưởng rằng: việc nuôi tôm ở Việt Nam trong tương lai sẽ giảm được chi phí sản xuất đáng kể. Nhiều công nghệ nuôi tôm thâm canh được cải tiến liên tục để khắc phục dịch bệnh, nâng tỷ lệ thu hoạch và sản lượng trên mỗi ha. Các công nghệ này kể ra như: nuôi Biofloc, quy trình nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ vi sinh, mô hình kết hợp tôm – lúa. Kết quả của các công nghệ này cũng vượt xa về trình độ thâm canh, cũng như sản lượng thu hoạch trên mỗi ha cao hơn các mô hình đang áp dụng tại Ecuador và Ấn Độ.Trong đó, mô hình nuôi tôm CPF của Thái Lan là phổ biến được người nông dân lựa chọn, do có sự hỗ trợ từ tài chính, con giống và thức ăn.

Thật hiếm thấy có ngành nghề nào, người nông dân lại năng động tiếp cận với các công nghệ mới như vậy. Mỗi năm qua đi, càng có nhiều hộ nông dân đầu tư mạnh mẽ chuyển đổi từ các ao đất lạc hậu lên thành các ao nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra kết quả vượt trội so với bình quân cả ngành. Thống kê phần lớn các hộ nuôi tôm công nghệ mới này có thể đạt mức lợi nhuận từ 20 – 50% sau mỗi vụ, và mỗi năm người nuôi tôm có thể sản xuất được ít nhất 2 vụ. Giá thành nuôi tôm bình quân có thể giảm về mức 4 – 5 USD/kg, khá tương đồng với mức giá tôm thu hoạch tại ao ở Ecuador và Ấn Độ.

Ngoài lực lượng hộ nông dân, các doanh nghiệp dẫn đầu về chế biến xuất khẩu tôm trong nước, cũng đang từng bước mở rộng chuỗi giá trị bằng cách mạnh dạn đầu tư vào nút thắt nuôi tôm. Trong vòng 5 – 6 năm qua, các dự án nuôi tôm lớn từ vài trăm đến hàng nghìn ha đang dần xuất hiện ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong đó, có những doanh nghiệp đã đúc kết được công thức thành công cho riêng mình, tạo ra lợi nhuận bền vững và đặt kế hoạch mở rộng liên tục vùng nuôi nhằm đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Một doanh nghiệp mà chúng tôi theo dõi là Fimex ở Sóc Trăng đã có thành tích nuôi tôm thành công và gia tăng hiệu quả qua các năm. Diện tích nuôi tôm liên tục mở rộng từ 2013 đến nay đã đạt 320 ha. Bình quân cứ mỗi ha nuôi tôm sẽ có năng suất 20 tấn/vụ, sau mỗi vụ thu hoạch, giá thành bình quân dao động quanh 4USD/kg, thấp hơn 30% so với mặt bằng chung giá tôm nguyên liệu mua từ nông dân. Và Fimex vẫn không ngừng nghiên cứu thêm các công nghệ mới để tiếp tục gia tăng năng suất nuôi, triển khai mở rộng vùng nuôi nhằm gia tăng được tỷ lệ tôm nuôi tự chủ. Qua đó, bài toán hạ giá thành tôm nguyên liệu đầu vào đang dần được giải quyết hết sức hiệu quả.

Nói tóm lại, vị thế ngày hôm nay của ngành tôm Việt Nam là thành quả của cả quá trình nỗ lực có chủ đích một cách liên tục, cùng sự tham gia của rất nhiều mắt xích trong ngành. Dù hiện tại, diện tích nuôi tôm theo các công nghệ mới đang chỉ chiếm khoảng 10% nhưng xu thế đang không ngừng gia tăng, làm giảm dần giá tôm nguyên liệu trong nước. Với năng lực chế biến có thể đánh giá là dẫn đầu thế giới và những sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nuôi trồng tôm nói trên, chúng ta hoàn toàn có thể suy nghĩ đến một viễn cảnh Việt Nam đủ năng lực vươn lên vị trí thứ hai và thậm chí là số một về sản lượng xuất khẩu tôm trên toàn cầu.