19-05-2022
Ngày 19/05/2022 – Thư gửi Nhà đầu tư
Kính gửi Quý nhà đầu tư,
Thị trường chứng khoán trong tháng 4 và những tuần đầu tháng 5 đang có sự điều chỉnh rất mạnh. Vnindex có những lúc giảm tới -25% từ đỉnh hồi đầu năm. Trái ngược với nhận định lạc quan về vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận trong hầu hết các báo cáo, nhận định của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán lại có những phản ứng vô cùng bi quan.
Sự khởi đầu của chuỗi bán ròng của các nhà đầu tư trong nước đến từ việc xử lý mạnh tay hoạt động thao túng giá chứng khoán. Sau sự kiện FLC, chúng tôi tin rằng các đội lái đã chùn tay. Tác động trực tiếp của việc này giúp xì hơi một bong bóng tài sản ảo do các đội lái tạo ra, bảo vệ nhà đầu tư không bị lừa gạt, tuy nhiên gián tiếp điều này cũng gây nên một áp lực bán đáng kể trên thị trường. Không khó hiểu nếu nhiều nhà đầu tư đã phải bán đi các tài sản của mình, trong đó có cổ phiếu tốt khi bong bóng cổ phiếu rác xịt
Sự kiện thứ hai đó việc siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tràn lan tại các công ty Bất Động Sản. Mục đích cũng là để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên với quy mô của loại tài sản này khoảng gần 200 nghìn tỷ, chiếm gần 2% tổng dư nợ của hệ thống, đây cũng có thể coi là một cú siết nhẹ về tăng trưởng tín dụng. Việc hạ nhiệt TT BĐS nhưng không làm nổ quả bong bóng này dẫn đến tăng nợ xấu trong hệ thống là một việc NHNN và Chính Phủ sẽ thực hiện một cách khéo léo. Điểm tích cực là Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và các công cụ/ biện pháp đặc biệt, kể cả phi thị trường nhưng vô cùng hiệu quả, để giải quyết nợ xấu. Việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực mạnh hay gần đây Bộ Công An buộc Thai Holding trả lại 840 tỷ cho Tân Hoàng Minh là một ví dụ điển hình.
Cú đấm tiếp theo hạ gục các nhà đầu tư trong nước đến từ tâm lý hoang mang khi TTCK Mỹ điều chỉnh mạnh sau quyết định tăng lãi suất của Fed, mặc dù việc này đã được thảo luận từ vài tháng. Về vĩ mô, chúng tôi nghĩ rằng sức mạnh nội tại nền kinh tế hiện nay rõ ràng và tốt hơn giai đoạn Covid 2020. Nhìn lại giai đoạn 2018-2019, Fed cũng nâng lãi suất liên tiếp để hạ nhiệt thị trường lao động quá nóng. Đến 2020, khi Covid diễn ra, nội tại kinh tế khó khăn hơn hiện tại rất nhiều, Fed lại đảo ngược chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Việc bơm rất nhiều tiền trong giai đoạn Covid, đã giúp nền kinh tế hoạt động bình thường, thậm chí rất tốt sau Covid nhưng tác động phụ của nó là lại khiến cho thị trường lao động trở nên quá nóng. Kết hợp việc đứt gãy chuỗi cung ứng và chiến tranh Ukraina, 3 yếu tố này làm cho lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, chúng tôi tin nền kinh tế sẽ vượt qua được vấn đề này. So với vấn đề Covid năm 2020, 3 vấn đề trên hiện nay ít nguy hiểm hơn và có hướng giải quyết rõ ràng. Nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng điều này sẽ không diễn ra quá lâu. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực về lạm phát và tỷ giá, tuy nhiên chúng ta còn một cơ hội rất sáng nhờ vào sự dịch chuyển mạnh sản xuất ra khỏi Trung Quốc, cũng như việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài của Chính Phủ.
Cuối cùng, sự suy yếu về thanh khoản gần đây của TTCK VN làm chúng tôi nghĩ đến giả thuyết về sự thoái trào của dòng tiền đến từ nhà đầu tư F0. Dòng tiền này trong giai đoạn Covid đã là lực đẩy rất mạnh khiến cho TTCK VN đang từ ngưỡng rất rẻ PE10x lên mức đắt đỏ PE20x. Hiện tượng này không chỉ ở VN mà dường như xảy ra trên nhiều thị trường ở thế giới. Tiền kiếm được có vẻ quá dễ dàng khi có quá nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ Crypto, cổ phiếu meme, startup … nhiều bong bóng tài sản đã được thổi lên khá to trong thời kỳ tiền rẻ vừa qua. Khi quá trình deleverage diễn ra, lãi suất tăng, vốn rẻ không còn, các bong bóng tài sản rủi ro sẽ xẹp đi; Tác động dây chuyền của các bong bóng này có lẽ là rủi ro khó đoán nhất trong các yếu tố nêu trên. Sự không chắc chắn này đang là bóng đen lớn nhất đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu.
Dự đoán vĩ mô và thị trường chứng khoán luôn khó vì độ chính xác không cao. Tuy nhiên, để đầu tư thành công, chúng ta không nhất thiết cần suy nghĩ thị trường đang sai hay đúng; Thị trường luôn vận hành theo cách riêng của mình, việc của chúng ta là giao dịch với thị trường như một đối tác làm ăn. Tận dụng các cơ hội mà đối tác này mang lại và từ chối các đề nghị không hợp lý. Nhìn chung quan điểm của chúng ta về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 5 năm tới là không thay đổi. Nền tảng vĩ mô của Việt Nam cũng như hoạt động kinh doanh của các công ty chúng ta đầu tư vẫn sẽ tăng trưởng khi nhìn về 5 năm. Mặc cho các khó khăn ngắn hạn, các tập đoàn lớn trên thế giới vẫn chuyển dịch sản xuất của họ sang Việt Nam. Ở mức VNIndex 1200 điểm, PE 2022 của thị trường quanh ngưỡng 12x, một trong những mức thấp nhất trong lịch sử; Điều này thể hiện rủi ro đã khá thấp. Cảm giác của AP Alpha là TTCK đang trao cho chúng ta một cơ hội tương tự như khi Covid diễn ra năm 2020. TTCK lần này có thể không sung sức bật tăng chữ V ngay sau vài tháng như năm 2020, nhưng chắc chắn đây vẫn là một điểm trũng trong bối cảnh 5 năm.
Dự đoán thị trường và bắt đáy thế nào cho đúng?
Trong cuộc họp thường niên của Berkshire vào hai tuần trước đây, 30/4/2022, khi một nhà đầu tư hỏi liệu bây giờ đã là đáy của TTCK chưa?
Warren Buffet trả lời rằng ông đã giải ngân đáng kể lượng tiền mặt của mình trong Q1 đầu năm nay nhưng điều này không có nghĩa chắc chắn đây là đáy của thị trường chứng khoán. WB nhắc lại giai đoạn tháng 10/2008, giữa những khoảnh khắc đen tối nhất của của khủng hoảng tài chính, khi Lehman Brothers vừa mới tuyên bố phá sản và thị trường sụp đổ, ông đã viết một bài báo cho tờ NYT với tiêu đề là Buy America như một khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu. Mặc dù cho đến nay, TTCK Mỹ đã tăng gấp 3 lần kể từ từ điểm mua đó, tuy nhiên, 6 tháng sau bài báo đó, thị trường vẫn giảm tiếp 25% nữa. Đó là một trong số không nhiều những lần Warren Buffet dự đoán và bắt đáy thị trường.
Warren Buffet cũng cho rằng dự đoán đáy thị trường là điều rất khó và không phải là việc nhà đầu tư nhất định cần làm. Với lợi thế luôn có một lượng tiền mặt ở bên ngoài, việc các nhà đầu tư nên làm là tích luỹ thêm cổ phiếu của các công ty hàng đầu khi giá giảm mạnh. Một chiến thuật đầu tư đơn gian nhưng về dài hạn đó luôn là một quyết định đúng đắn.
Tại TTCK Việt Nam, mặc dù định giá của TT đã ở mức hợp lý và an toàn, sẽ không thể biết chính xác 100% đây đã là đáy chưa, nhưng chúng ta biết chắc chắn đây là một trong những cơ hội tốt trong 2-3 năm tới để tích luỹ thêm các công ty có lợi thế cạnh tranh hàng đầu ở Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là đây có thể không phải là cơ hội duy nhất hoặc tốt nhất. Chúng ta cũng không cần quá nóng vội hoặc tham lam quá mức trong giai đoạn hiện nay. Việc quan trọng nhất chúng ta cần làm là quên thị trường đi và giữ chặt những gì chúng ta đang có; Đặc biệt không được phép bán vì tâm lý hoảng sợ. Nền kinh tế vẫn hoạt động hết sức bình thường; cuộc sống quanh ta vẫn diễn ra tươi đẹp; Hãy tận hưởng cuộc sống sau 2 năm Covid, khi mọi thứ bắt đầu quay trở lại bình thường.
BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG QUÝ 1/2022 – AP FOUNDER FUND
Hiệu quả đầu tư
Tính đến ngày 29/04/2022, Hai danh mục APF1 và APF2 có giá trị một ĐVĐT lần lượt đạt 34,144 VND và 31,470 VND, tương đương mức tăng trưởng giá trị đạt 6.2% và 4.2% so với đầu năm.
Tính từ thời điểm thành lập, hiện nay hiệu quả hoạt động của 2 Danh mục như sau:
Tăng trưởng Doanh Thu/Lợi Nhuận của các công ty chúng ta nắm giữ
Trong Quý 1, các công ty chúng ta đang đầu tư báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 26% và tăng lợi nhuận 23%.
Tăng trưởng doanh thu cho cả năm 2022 dự kiến ở mức 20%, trong khi tăng trưởng lợi nhuận ở mức 20%.
Trân trọng
Phạm Anh Vũ
Founder