30-01-2023
Ngày 30/01/2023 – Thư gửi Nhà đầu tư
Kính gửi Quý nhà đầu tư,
Có thể nói năm 2022, không chỉ TTCK mà cả kinh tế xã hội Việt Nam cũng có những diễn biến hết sức bất ngờ.
Mặc dù tổng kết cả năm 2022, các yếu tố vĩ mô trọng yếu như lạm phát tỷ giá vẫn rất tích cực, TTCK vẫn lọt danh sách những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới trong năm 2022, theo chúng tôi, một phần là do những diễn biến vĩ mô khá giật cục, đặc biệt trong giai đoạn tháng 9-11/2022;
So sánh Hiệu quả các TTCK trên thế giới *
Sau diễn biến khá êm ả của 4 tháng đầu năm 2022, giai đoạn tháng 5 cho tới tháng 12 liên tiếp đón nhận những bước ngoặt lớn, không chỉ liên quan đến chu kỳ kinh tế đơn thuần, mà còn cả những thay đổi lớn trong chính sách và mô hình quản lý kinh tế của Việt Nam.
Đầu tiên về chính sách tiền tệ. Xuyên suốt giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, trong khi các nền kinh tế thế giới đều vật lộn với lạm phát và buộc phải tăng lãi suất lên khá cao để kiểm soát lạm phát, NHNN VN lại khá mềm mỏng trong điều hành lãi suất.
Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng tuy bị kiểm soát đối với lĩnh vực chứng khoán và BĐS nhưng nhìn chung vẫn tăng so với cùng kỳ. Việc làm lành mạnh thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu trong nửa đầu năm cũng diễn ra khá trật tự, có kiểm soát, ở quy mô vừa phải. Bong bóng các cổ phiếu penny xẹp xuống, bong bóng trái phiếu riêng lẻ cũng được xì hơi từ từ.
Mọi việc chi đột ngột xấu đi vào tháng 10, khi diễn ra cùng một lúc hai cú sốc lớn đến từ cả trong và ngoài nước.
Đối với bên ngoài, đó là sức ép của mặt bằng lãi suất của Mỹ tăng vọt kèm theo sự tăng giá nhanh chóng của USD. Thanh khoản của hệ thống yếu đi rất nhanh chóng vào tháng 9-10 khi NHNN buộc phải bán USD và hút VND về trước sức ép đồng USD lên giá.
Đối với trong nước, đó là sự căng thẳng về thanh khoản và dòng tiền các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp Bất Động Sản trước sức ép của việc thay đổi chính sách, từ thả lỏng sang tuýt còi kiểm soát chặt đối với thị trường trái phiếu và tín dụng bất động sản.
Giữa bối cảnh thanh khoản cuối năm khá cạn kiệt, đặc biệt khi ngân sách nhà nước không giải ngân được do tác động của chiến dịch chống tham nhũng, các doanh nghiệp thì lo tìm nguồn vốn mua lại trái phiếu, NHTW lại đang phải bán lượng lớn USD và hút VND về để duy trì tỷ giá đang tăng cao, sự kiện Vạn Thịnh Phát cuối tháng 10 như một quả tạ giáng vào vào sợ dây thanh khoản mong manh đó.
Mặc dù NHNN đã làm tốt việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng ngay lúc đó, tuy nhiên ở thị trường trái phiếu, nơi mà trái chủ phần lớn lại là các nhà đầu tư cá nhân không kinh nghiệm, đã diễn ra một cuộc tắm máu cắt lỗ khủng khiếp. Việc bán tháo trái phiếu và chứng chỉ các Quỹ trái phiếu bằng mọi giá, trong khi gần như không có cầu đối ứng, dẫn đến vòng xoáy giảm giá cực mạnh trên thị trường trái phiếu. Rất may quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, sau vài tuần hỗn loạn, dòng tiền thông minh đã xoay sở vào mua lại toàn bộ lượng dư bán giá rẻ đó. Niềm tin được khôi phục dần dần và lợi tức một số trái phiếu doanh nghiệp tốt giảm nhanh từ mức không tưởng 25-30% về còn 13-15%.
Khi mà các thị trường tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu và cả Bất Động Sản có sự liên thông cao như hiện nay, sự đổ vỡ của một thị trường, chắc chắn cũng gây tổn thương lên các thị trường còn lại.
Biểu đồ diễn biến tăng trưởng VN-Index qua các Quý năm 2022 – vs. APF1, APF2
Tại báo cáo tháng 2/2022, chúng ta có nói tới khả năng sau giai đoạn tăng trưởng nóng, lòng tham (FOMO) chi phối quá nhiều, thị trường có thể sẽ đi qua giai đoạn mà sự sợ hãi (Fear)lại là nhân tố chi phối. Và trong tháng tháng 11/2022, thị trường đang thực sự trải qua một tâm lý sợ hãi rất lớn. Nỗi sợ này đã đẩy thị trường lần lượt vượt qua các mức định giá thấp nhất trong lịch sử, trong đó rất nhiều công ty đã giảm về mức vốn hoá giai đoạn năm 2020 khi Covid diễn ra.