05-05-2021

Ngày 05/05/2021 – Thư gửi Nhà đầu tư

Kính gửi Q nhà đầu tư,


Tính đến ngày 30/4/2021, Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tưởng 12,3% so với đầu năm. Trong khi Danh mục APF1 và APF2 kết thúc tháng 4 với giá trị một ĐVĐT lần lượt đạt 25.334 VND và 23.463 VND, tương đương mức tăng trưởng giá trị đạt 20,1% và 21,9% so với đầu năm.

Tính từ thời điểm thành lập của hai danh mục, hiện nay hiệu quả hoạt động của 2 Danh mục như sau:

Tăng trưởng Doanh Thu/ Lợi Nhuận của các công ty chúng ta nắm giữ

Trong tháng 4, các công ty niêm yết đã lần lượt lượt công bố báo cáo kết quả tài chính Quý 1. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận bình quân của các công ty chúng ta đang đầu tư đạt mức 38,4% và 100,4%;

Dự kiến cả năm 2021, các công ty trong danh mục có mức tăng trưởng trung bình về Doanh Thu/ Lợi Nhuận lần lượt là 27,9% và 44,5%. Sang năm 2022, con số tăng trưởng Doanh Thu/Lợi Nhuận dự kiến sẽ là 16,8% và 25,4%.

Trong Quý 1, các công ty chúng ta đang đầu tư đều đạt và vượt các chỉ tiêu doanh thu/ lợi nhuận đã đề ra, thậm chí có một số doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn kinh doanh cực kỳ thuận lợi, dẫn đến mức tăng trưởng doanh thu/ lợi nhuận khá đột biến. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy tại một số doanh nghiệp, tác động gián tiếp của Covid-19 đang âm thầm gây áp lực lên hoạt động kinh doanh. Một trong những tác động gián tiếp đáng sợ của Covid-19 là sự suy yếu dần trong tổng cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng của xã hội, do một bộ phận không nhỏ người lao động, đặc biệt những người lao động thu nhập trung bình và thấp, bị ảnh hưởng tiêu cực qua các đợt cách ly xã hội cũng như đóng cửa đối với bên ngoài.

Theo số liệu của tổng cục thống kê, tổng mức tiêu thụ hàng tiêu dùng trong Quý 1 chỉ tăng trưởng khoảng 5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhìn vào số liệu của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất hiện nay, cũng cho thấy mức tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 5% so với mặt bằng cùng kỳ năm ngoái là khá thấp.

 

Nhận định thị trường hiện tại giai đoạn tiếp theo

Trong 4 tháng đầu năm, chúng tôi quan sát mức độ biến động của thị trường có ổn định hơn giai đoạn cuối 2020, các nhịp tăng giảm xen kẽ luân phiên, thể hiện trạng thái tâm lý cân bằng hơn của nhà đầu tư. Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bớt hưng phấn quá mức, có sự chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu.

Các chỉ số chính trong nền kinh tế vẫn diễn biến tích cực: Lạm phát bình quân 12 tháng chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ. Lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1-0,2% và vẫn duy trì ở mức thấp. Tỷ giá dao động trong biên độ ổn định nhờ cân đối cung cầu thặng dư 3,5-4 tỷ USD. Tăng trưởng tín dụng Q1/2021 đạt 3,69% và GDP Q1 lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 4,48%.

Về mặt định giá chung của thị trường và tâm lý nhà đầu tư, AP Alpha cho rằng đã phản ánh khá đầy đủ những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Sự tăng trưởng tiếp theo của thị trường sẽ cần đến từ động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp chúng ta theo dõi và đầu tư, nổi trội lên có một số lĩnh vực khá may mắn được hưởng lợi nhiều vào các yếu tố chính sách trong và ngoài nước, ví dụ như ngành Hàng Hoá/ Nguyên Vật Liệu và ngành Tài Chính (bao gồm Ngân Hàng, Chứng Khoán, Bảo hiểm). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành nghề quan trọng khác trong nền kinh tế, ví dụ như du lịch khách sạn, sản xuất/ chế biến, bán lẻ/ tiêu dùng vẫn đang chịu áp lực lớn khi mà Việt Nam vẫn còn căng mình chống dịch do chưa có vaccine.

Theo chúng tôi, nếu không giải quyết được vấn đề tiêm chủng vaccine cho toàn dân, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chậm hơn các nền kinh tế phát triển khác rất nhiều, vì vậy AP Alpha cảm thấy cần thận trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo, nhất là khi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư Việt Nam đang ở mức độ cao.

Một rủi ro khác chúng tôi cũng đang theo dõi sát đó là sự tăng giá nhanh chóng của thị trường hàng hoá thế giới, sẽ gây áp lực lên chỉ số lạm phát. Nếu mặt bằng lãi suất được điều chỉnh tăng lên, giá trị các tài sản nhìn chung sẽ bớt hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ngoài ra, với sự hưng phấn cao của thị trường, đi kèm với nó là giá trị của các doanh nghiệp được đẩy lên cao, dẫn đến nhiều doanh nghiệp tranh thủ lên kế hoạch tăng vốn. Theo thống kê của Fiinpro cho thấy sẽ có khoảng 8.6 tỷ CP phát hành thêm, giá trị tương đương khoảng 9-10 nghìn tỷ. Tuy một phần đáng kể trong số này sẽ là phát hành riêng lẻ, số lượng phát hành có cổ đông hiện hữu vẫn sẽ là một nguồn cung hàng khá lớn trên thị trường.

Về tổng thể, AP Alpha vẫn rất lạc quan với triển vọng của các công ty chúng ta đang đầu tư trong dài hạn. Nhìn về 5 năm, 2021-2025, càng về những năm tiếp theo, sức mạnh tạo ra lợi nhuận của các công ty này sẽ càng thể hiện mạnh mẽ. Đây là nền tảng để chúng ta tin tưởng rằng sau 5 năm, khoản đầu tư của mình vẫn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 100%. Tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng ta cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi góc nhìn của cộng đồng đầu tư. Chúng ta không nên coi sự điều chỉnh trong ngắn hạn này của TTCK nếu xảy ra là rủi ro, mà hãy nhìn nó như một cơ hội để có thể tham gia góp vốn cùng các công ty hùng mạnh ở một mức giá rẻ hơn, tại một thời điểm thậm chí còn an toàn hơn hiện nay. Chúng tôi luôn mong muốn và khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt các cổ đông của AP Alpha hãy mạnh dạn đầu tư hoặc gia tăng thêm khoản đầu tư của mình khi thị trường có những điều chỉnh mạnh, khi đó chúng ta có thể sẽ nhìn thấy giá trị ĐVĐT của danh mục giảm 10-20%, đó chính là những thời điểm đầu tư tốt.


Trân trọng,

Phạm Anh Vũ

Founder