15-07-2024
Ngày 15/07/2024 – Thư gửi Nhà đầu tư
Kính gửi Quý nhà đầu tư,
Năm 2023 chỉ số VN-Index vẫn giữ được tăng khá tích cực ở mức 12,2% ngay cả khi có một đợt điều chỉnh khá mạnh vào tháng 9-10/2023 khiến VN-Index giảm tới 17%. Với diễn biến khá tương tự, 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số VN-Index tiếp tục leo dốc thành công, tăng 10,2% mặc dù có một đợt điều chỉnh mạnh tới 9% trong tháng 4/2024. Điều này làm củng cố thêm giả thuyết của chúng ta về việc TTCK VN đã tạo đáy trong năm 2022, tích luỹ và bắt đầu đi lên trong giai đoạn 2023-2024. Trong giai đoạn tạo đáy và bắt đầu của quá trình hồi phục, thị trường sẽ không tránh khỏi những gập ghềnh cũng như những nghi ngờ của nhà đầu tư khi có rất nhiều yếu tố nhiễu động có thể xẩy ra, yêu cầu nhà đầu tư chúng ta một sự tập trung cao độ trong giai đoạn này để có thể đem lại hiệu quả đầu tư vững chắc.
Cho tới thời điểm 30/06/2024, hiệu quả hoạt động của 2 danh mục như sau:
Diễn biến thị trường 2023 và Q1/2024
Năm 2023 nền kinh tế vẫn hết sức khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp đều phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng trong cả năm 2023 chỉ có 2 tháng ở mức trên 50 điểm, nhu cầu tín dụng cho sản xuất thấp, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng nhanh, lượng doanh nghiệp đóng cửa/tạm ngừng kinh doanh cao kỷ lục. Ở góc độ cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể thấy mùa mua sắm 2023 không sôi động như mọi năm mà được thay thế bởi không khí ảm đạm, các nhãn hàng khuyến mãi mạnh nhưng lượng khách không thực sự nhiều. Điểm sáng duy nhất là giải ngân đầu tư công tích cực hơn giai đoạn 2022.
Tuy nhiên, đối với thị trường chứng khoán, năm 2023 lại là một năm thị trường tạo đáy đi lên nhờ vào 4 yếu tố: nền định giá rất thấp; sự phục hồi và ổn định thần kỳ của thị trường tài chính trong nước sau sự cố đổ vỡ năm 2022; quyết tâm lớn của chính phủ trong việc liên tục ép giảm lãi suất, và kỳ vọng đón đầu sự hồi phục kinh tế sẽ đến vào năm 2024.
- Nền định giá đặc biệt thấp: trong dài hạn, đặc biệt các giai đoạn khủng hoảng, chúng tôi thường nhìn vào giá trị sổ sách (chỉ số P/B) để đánh giá mức độ đắt rẻ của thị trường. Vào cuối năm 2022 chỉ số P/B của toàn thị trường chỉ khoảng 1.6x, ngang bằng với giai đoạn đầu của dịch Covid tháng 4-5/2020.
- Về Vĩ mô trong nước thì sau năm 2022, rất nhiều vấn đề khó khăn được đặt ra để giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu liên quan bất động sản. Tuy nhiên năm 2023, bằng các biện pháp hành chính, một loạt các thông tư quan trọng đã được đưa ra nhằm giúp thị trường tránh được một cú đổ vỡ tiếp theo. Ví dụ như thông tư 02 cho phép các ngân hàng chưa phải trích lập nợ xấu, ví dụ như thông tư cho phép người phát hành trái phiếu được phép đàm phán với trái chủ để gia hạn thời gian trả lãi và gốc.
Tuy đây chưa phải là các biện pháp giải quyết gốc rễ vấn đề nhưng là các liều thuốc giúp thị trường qua lúc ốm đau nguy kịch và hi vọng sự phục hồi kinh tế và thị trường BDS sau này sẽ hấp thụ dần dần cục máu đông nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là sự ổn định vĩ mô vượt ngoài sự kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng góp phần củng cố niềm tin trên thị trường chứng khoán trong năm 2023, nhất là với nhóm ngành ngân hàng. - Động lực quan trọng nhất có lẽ là nỗ lực của chính phủ trong việc kích cầu tăng trưởng bằng cách nhanh chóng cắt giảm lãi suất một cách khá bất ngờ. Trong mặt bằng lãi suất thế giới neo cao, nhiều chuyên gia đầu tư đã không tin Việt Nam dám nới lỏng chính sách tiền tệ ngay vào những tháng đầu năm 2023.Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đã có tới 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 diễn ra vào cuối Quý I và Quý II. Chính sách tiền tệ năm 2023 cũng đặc biệt thuận lợi nhờ CPI rất thấp ở mức 3.25%, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ về nhiều từ sau căng thẳng Mỹ Trung.
Áp lực giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã diễn ra trong suốt cả năm 2024. Điều này đã kích thích dòng vốn lớn đổ vào thị trường chứng khoán, mặc dù còn nhiều hoài nghi về mức độ hồi phục kinh tế cũng như sự ổn định vĩ mô. Có những lúc thị trường đã tăng trưởng tới hơn 20% sau đó điều chỉnh giảm về còn 12% trong giai đoạn cuối năm. - Cuối cùng, sự hồi phục ở các nhóm ngành như Thép, Ngân Hàng, Bán Lẻ, Xuất Khẩu trở nên rõ nét kể từ quý IV/2023 và tiếp tục được duy trì cho tới hiện tại khi mà các số liệu về sản lượng sản xuất, bán hàng, sức cầu tiêu dùng đều cải thiện; chất lượng tài sản ngân hàng cũng ổn định trở lại, chi phí huy động giảm mạnh.
Thị trường chỉ có một sự rung lắc mạnh vào tháng 9-10 sau khi Cục Dữ trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED có một số tuyên bố diều hâu để kiềm chế lạm phát dẫn tới lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng lên tới 5%. Tuy nhiên, ngay sau đó FED lại xoa dịu thị trường khi tỏ ra tự tin là lạm phát đang trên đà đi xuống. Và kéo theo đó là một cú hồi ngoạn mục trong 2 tháng cuối năm 2023 và kéo dài đến cuối tháng 3/2024. Đây cũng là giai đoạn chúng ta đánh giá có vĩ mô tương đối ổn định và dễ dự đoán, rất phù hợp cho dòng tiền lớn đổ vào thị trường.
Nhìn nhận 3 quý cuối năm 2024 và 2025
Về tổng thể, AP Alpha vẫn nhất quán quan điểm cho rằng nền tảng của sự hồi phục nền kinh tế Việt Nam và tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2023-2026 là khá chắc chắn, cho dù ở hiện tại vẫn cần cẩn trọng quan sát. Ba động lực chính xuyên suốt giai đoạn này là:
- Động lực thứ nhất đó là sự hồi phục của sản xuất kinh doanh trong nước. Đây là yếu tố đến một cách chậm rãi (2H 2024 – 2025) nhưng sẽ là động lực kéo dài xuyên suốt cho con sóng lần này. Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, phần lớn là nhờ sự kích thích của chính sách tiền tệ và nền định giá thấp. Sau 5 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã nhìn thấy sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp rõ ràng hơn rất nhiều.
- Động lực thứ hai đó là quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ. Về chính sách tiền tệ, chính phủ vẫn theo đuổi con đường giữ một môi trường lãi suất đủ thấp để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Nhờ vào cầu tiêu dùng vẫn còn yếu, CPI trong nước khả năng vẫn trong tầm kiểm soát, cộng với lượng vốn đầu tư nước ngoài ngày một nhiều, giúp ích rất nhiều cho Ngân hàng nhà nước có thể thực hiện thành công việc giữ ổn định tỷ giá nhưng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, động lực này sẽ phụ thuộc nhiều vào môi trường lãi suất trên thế giới, sẽ có lúc thuận lợi, sẽ có lúc khó khăn nhưng nhìn chung xu hướng mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ có xu hướng đi xuống trong 12 tháng tiếp theo.
- Động lực thứ ba là việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần đến thời điểm được nâng hạng. Một lượng vốn khá lớn, ước có thể tới 5-6 tỷ USD, sẽ chảy vào thị trường trong một thời gian ngắn, chắc chắn sẽ có tác động tích cực lên giá cả chứng khoán trong nước. Khác với hai động lực trên, yếu tố này chỉ mang tính chất nhất thời, mức tăng trưởng của thị trường diễn ra nhanh và tích cực trong một thời gian ngắn, và chúng ta khó biết được chính xác thời điểm.
Trong giai đoạn đầu của con sóng tăng trưởng dài đó, chúng ta vẫn cần thận trọng quan sát môi trường lạm phát và lãi suất trên toàn cầu, đặc biệt là sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi vẫn cẩn trọng cho đến lúc nền kinh tế của Mỹ hạ cánh, kết thúc một chu kỳ tăng trưởng cao. Cho dù nền kinh tế Mỹ có hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng, chúng tôi cho rằng cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến vĩ mô của Việt Nam cũng như tâm lý nhà đầu tư trong nước. Sự lệch pha trong chu kỳ kinh tế của Mỹ với phần còn lại của thế giới trong đó có Việt Nam sẽ vẫn có thể dẫn đến những cú điều chỉnh mạnh của TTCK VN trong ngắn hạn.
Đối với các rủi ro trong nước, tuy sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khá rõ nét nhưng thị trường bất động sản vẫn còn khá mong manh. Đây vẫn là một rủi ro tiềm tàng vì sự ổn định của thị trường bất động sản có liên quan mật thiết với sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như khả năng hồi phục của thị trường tiêu dùng và dịch vụ trong nước.
Thứ hai, chúng ta cần theo dõi tinh hình tài chính của VinGroup, khi mà VinFast là một bước đi rất mạo hiểm và nếu thất bại ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ngân hàng trong ngắn hạn. Về quy mô chúng tôi nghĩ sẽ không lớn như trường hợp Vạn Thịnh Phát và SCB, tuy nhiên tác động của nó lại khá tập trung vào một số tổ chức khiến cho tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ bị tác động mạnh.
Mua bán thế nào cho đúng khi thị trường tranh sáng tranh tối?
Phương pháp tiếp cận chung của chúng ta giai đoạn này là đặt mình trong một tâm thế mua dài hạn. Tuy nhiên, cần duy trì một tỷ lệ tiền mặt sẵn sàng trong giai đoạn đầu để đương đầu với những cú điều chỉnh đến từ vĩ mô thế giới có thể sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối của chu kỳ.
Về dài hạn, chứng khoán cũng giống như các tài sản như Vàng, Bất Động Sản … là một kênh trú ẩn trước sự bào mòn của lạm phát. Ngược lại, tiền gửi ngân hàng không nên coi là không phải là kênh đầu tư sinh lời, lãi suất tiền gửi thường được điều chỉnh ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn lạm phát và sự mất giá thật sự của đồng tiền.
Việc nắm giữ các tài sản như chứng khoán, bất động sản và ngay cả vàng cũng đỏi hỏi sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hơn việc nắm giữ các tài sản như tiền gửi.
Một ví dụ gần đây về kênh đầu tư vàng đang rất sôi động: Sau 10 năm kể từ 2013 giá vàng SJC đã tăng hơn 2 lần lên mức 80 triệu đồng/lượng cuối năm 2023, tuy nhiên phần lớn mức tăng này tới trong 3 năm giai đoạn cuối 2019-2023. Như vậy trong gần 7 năm từ 2013 cho tới cuối 2019, nhà đầu tư mua vàng sẽ khó có lời. Dù là tài sản trú ẩn, giá vàng cũng có những thời điểm đi xuống, như năm 2013 giảm 26% trong 1 năm và gần như không tăng trở lại cho tới 6 năm sau. Tương tự, thị trường bất động sản cũng có những giai đoạn tăng trưởng rất mạnh trong thời gian ngắn, và sau đó nhà đầu tư cần kiên trì nắm giữ chờ đến một chu kỳ tăng giá tiếp theo. Giai đoạn 2007-2017, có nhiều nhà đầu tư bất động sản phải kiên trì nắm giữ đến 10 năm mới sinh lời.
Đối với thị trường chứng khoán, thị trường cho mức sinh lời trung bình hơn gấp đôi sau 10 năm tương đương khoảng 8%/năm. Nếu nhà đầu tư nắm giữ các doanh nghiệp hàng đầu, có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ như FPT, HPG … mức tăng trưởng này là 7-10 lần vốn ban đầu sau 10 năm, tương đương 20% đến 25%/năm.
Trân trọng
Phạm Anh Vũ
Founder