29-11-2021

Ngày 29/11/2021 – Thư gửi Nhà đầu tư

Kính gửi Quý nhà đầu tư,


Thị trường chứng khoán trong Q3, đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11 bắt đầu xuất hiện những làn sóng đầu cơ một cách mù quáng mà chúng ta đã nói đến hồi đầu năm nay. Đỉnh điểm là xuất hiện những phiên giao dịch điên rồ như ngày 12/11 với hơn 200 cổ phiếu tăng trần, trong đó 125 mã đến từ sàn UPCOM vốn là một sàn giao dịch cho các cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết ở HOSE. Nhiều nhà đầu tư lâu năm ăn mừng khi các khoản đầu tư sai lầm trong nhiều năm trước đây mất thanh khoản, không thoái vốn được, nay bống nhiên lại được mua bán nhộn nhịp ở giá trên trời.

Đương nhiên rất nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm sẽ mất mát sau cuộc chơi như “cờ bạc bịp” này. Điều chúng tôi đắn đo ở đây là liệu lòng tham đã trở nên quá lớn chưa? Khi các cổ phiếu nhỏ lên ngôi, thường là lúc thị trường cực thịnh và sắp thoái trào. Chúng tôi đang quan sát xem liệu đây chỉ là một bộ phận nhỏ nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm bị lôi kéo hay đã bắt đầu xuất hiện các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng tham gia vào làn sóng đầu cơ các cổ phiếu nhỏ này?

Về hoạt động của doanh nghiệp, trong Q3 tình hình kinh doanh của các công ty chúng ta đang đầu tư nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng. Nhóm ngành vật liệu cơ bản thực tế đang tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng ngắn hạn. Ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng và kiểm soát tốt nợ xấu thông qua việc mạnh tay trích lập. Nhóm ngành tiêu dùng và bán lẻ là ngành chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh nhưng doanh số đã được bù đắp lại vào tháng 10 do nhu cầu mua sắm bật tăng mạnh do dồn nén của giãn cách.

Nhìn về tương lai, chúng tôi nhận thấy đợt đóng cửa kéo dài lần này, thực sự đã gây ra một xáo trộn cực kỳ lớn trong đời sống của bộ phận dân cư thu nhập trung bình/thấp tại khu vực thành thị. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi mạnh về cấu trúc thị trường cũng như thói quen tiêu dùng tại các khu vực thành thị lớn như Tp HCM. Các công ty bán lẻ và tiêu dùng sẽ cần thời gian để tìm cách thay đổi và thích ứng với điều kiện bình thường mới này. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội bứt phá cho các đội ngũ xuất sắc. Dịch bệnh đang tạo ra các khoảng trống lớn trên thị trường. Đây là cơ hội có một không hai để những người khổng lồ tranh thủ chiếm lấy thị phần. Đối với các nhà đầu tư, đây là lúc kiên nhẫn và tích luỹ thêm khi có cơ hội.

Nhìn rộng ra các yếu tố vĩ mô có tiềm năng ảnh hưởng đến các công ty đầu tư và giá cả tài sản chúng ta đang nắm giữ, chúng tôi thấy có 3 vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất là mức độ phủ đủ 2 liều Vaccine ở VN vẫn còn chưa đủ cũng như rất nhiều loại Vaccine VN đang tiêm thì chưa tìm được nước nào tương tự để kiểm chứng hiệu quả miễn dịch cộng đồng. Điều này tạo ra rủi ro khá bấp bênh cho giả định các hoạt động kinh tế có thể dần quay trở lại bình thường vào nửa cuối 2022. Ngay cả ở các nước phát triển, tiêm đủ hai liều vaccine hiệu quả cao nhất thì làn sóng lây nhiễm Covid vẫn diễn ra âm thầm, không gây tâm lý hoảng sợ như trước đây nhưng vẫn gây những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế không kém gì trước đây.

Thứ hai là tình hình lạm phát trên thế giới diễn ra khá dai dẳng, khiến cho các NHTW rất khó có thể tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng; Fed đang tiến gần hơn đến việc sẽ tăng lãi suất vào cuối 2022. Việc này có thể gây đảo chiều dòng vốn từ EM sang DM trong ngắn hạn như năm 2018, cũng như ảnh hưởng mạnh lên thị trường hàng hoá. Điểm tích cực là lạm phát ở VN vẫn trong tầm kiểm soát khoảng 4% và dự trữ ngoại hối liên tục tăng lên mức kỷ lục có thể lên đến 114tỷ USD trong năm 2021. Ngoài ra vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK VN cũng không còn lớn như trước.

Thứ ba là sự xuất hiện của các biến chủng mới là một rủi ro không nhỏ, kéo dài thêm tình trạng xáo trộn và gián đoạn các hoạt động kinh tế. Thu nhập của tầng lấp trung lưu đang dần bị bào mòn. Năng suất và hiệu quả sản xuất của xã hội giảm. Số lượng của cải làm ra ít và chi phí cao hơn trước. Rủi ro này chúng ta không thể lượng hoá được. Chúng ta chỉ có thể đặt mình trong một tâm thế lạc quan một cách cẩn trọng. Không quá sợ hãi nhưng cũng không say sưa trên sự hưng phấn của thị trường.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ đại dịch cũng như một sự chọn lọc tự nhiên mạnh mẽ. Sau những tai ương như thế này, kẻ yếu sẽ ra đi, người sống sót sẽ tận hưởng những tài nguyên và thị trường rộng mở. Thứ cốt lõi của nền kinh tế là tri thức, thứ quyết định năng suất lao động vẫn còn đó, của cải sẽ lại được tạo ra tuy nhiên phần chia miếng bánh sẽ thay đổi. Kẻ sống sót sẽ được phần lớn hơn trước nhiều. Đồng vốn của chúng ta cần biết cách tìm đến những kẻ mạnh nhất để ẩn náu và chờ thời cơ làm mình giàu mạnh thêm.

 

Hiệu quả đầu tư

Tính đến ngày 30/10/2021, Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tưởng 30.8% so với đầu năm. Hai danh mục APF1 và APF2 kết thúc tháng 10 với giá trị một ĐVĐT lần lượt đạt 33,790 VND và 31,741 VND, tương đương mức tăng trưởng giá trị đạt 60.2% và 64.9% so với đầu năm.

Tính từ thời điểm thành lập, hiện nay hiệu quả hoạt động của 2 Danh mục như sau:

Tăng trưởng Doanh Thu/ Lợi Nhuận của các công ty chúng ta nắm giữ

Kết thúc tháng 10, các công ty đã lần lượt công bố báo cáo kết quả tài chính Q3. Theo đó, trong Quý 3, các công ty chúng ta đang đầu tư báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 14% và tăng lợi nhuận 33%. Như vậy tính cả 9 tháng đầu năm nay, danh mục các công ty chúng ta đang đầu tư đạt mức tăng trưởng trung bình 28% về doanh thu và 59% về lợi nhuận.

Con số tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cả năm chúng tôi dự kiến sẽ là 24% và 45% cho năm 2021. Sang năm 2022, con số tăng trưởng sẽ chậm lại, tương ứng tăng trưởng 19% cho doanh thu và tăng trưởng 20% cho lợi nhuận.


Trân trọng,

Phạm Anh Vũ

Founder